Giải đáp 3 câu hỏi pháp lý lớn về hợp đồng điện tử

  • 29/09/2021
  • [post-views]

Hợp đồng điện tử đang trở thành “hàng thiết yếu” với doanh nghiệp để ký kết từ xa trong bối cảnh giãn cách vì đại dịch Covid-19, đồng thời là công cụ giúp cải thiện hiệu suất, đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi. Vậy nhưng, với nhiều doanh nghiệp, vẫn còn băn khoăn về tính pháp lý và khả năng ứng dụng thực tiễn tại đơn vị mình.

HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ CÓ ĐƯỢC PHÁP LUẬT CÔNG NHẬN?

Câu hỏi lớn nhất và cũng được các doanh nghiệp đặt ra nhiều nhất là liệu hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng truyền thống, có được pháp luật công nhận giá trị?
Trả lời câu hỏi này, tại Webinar Ký kết điện tử vượt giãn cách do Công ty Hệ thống Thông tin FPT tổ chức gần đây, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh Tế Số, Bộ Công Thương cho biết, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được công nhận theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11), trong đó hợp đồng điện tử cũng là một dạng chứng từ điện tử.
Đồng thời, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử cũng nêu rõ chứng từ điện tử có giá trị như bản gốc nếu đảm bảo 2 yếu tố: (1) Đảm bảo đủ tin cậy và toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử thời điểm thông tin được khởi tạo đầu tiên của chứng từ điện tử; (2) thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập đầy đủ khi cần thiết. Ngoài ra, Bộ Luật dân sự 91/2015/QH13, Bộ luật lao động 45/2019/QH14, Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính 165/2018/NĐ-CP…cũng có rất nhiều nội dung về áp dụng hợp đồng điện tử.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh Tế Số, Bộ Công Thương.

Ông Lê Đức Anh cho rằng: “Việt Nam đã có định hướng đúng đắn về giao dịch điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng nhưng quá trình phát triển của hoạt động này cần có thời gian. Bộ Công thương đã tìm hiểu và nghiên cứu việc áp dụng mô hình này từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc. Gần đây, chúng tôi chứng kiến sự gia tăng mạnh của thị trường Việt Nam trong việc ứng dụng hợp đồng điện tử.

Ngay cả khi không có dịch bệnh và giãn cách xã hội thì hợp đồng điện tử cũng là phương thức giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí và có thể ký kết bất cứ lúc nào. Giá trị của hợp đồng điện tử không phải chỉ trong giãn cách mà là câu chuyện mang tính quốc gia và xu hướng chuyển đổi tất yếu”.

Đặc biệt, ông Đức Anh chia sẻ, Chính phủ và Bộ Công thương đang nỗ lực hoàn thiện các cơ chế giúp hình thức ký kết điện tử được công nhận rõ nét và có thể liên kết chéo để kiểm tra, xác thực thông tin. Nghị định sửa đổi, bổ sung của Nghị định 52/2013/NĐ-CP hiện đang được trình Chính phủ phê duyệt sẽ chính thức quy định quy trình cấp đăng ký cho các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA – Certified eContract Authority). Doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện có thể đăng ký trở thành đơn vị chứng thực hợp đồng điện tử.
Khi có CeCA cung cấp dịch vụ, việc tra cứu chéo tính chính xác, xác minh thông tin hợp đồng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Khi đó, việc ứng dụng hợp đồng điện tử chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhưng theo ông Đức Anh “lúc này rất cần sự đồng hành, chủ động chuyển đổi của các doanh nghiệp để đưa việc ứng dụng hợp đồng điện tử trở thành xu hướng tại Việt Nam”.

TÍNH BẢO MẬT CỦA HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ

Là luật sư có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam, đặc biệt là kinh nghiệm tư vấn pháp lý và hỗ trợ thành công một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam áp dụng Hợp đồng điện tử trong thời gian gần đây, ông Lưu Xuân Vĩnh, Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH Asia Legal cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được đảm bảo bởi các quy định pháp luật hiện hành về chứng thực chữ ký số.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH Asia Legal chia sẻ tại webinar Ký kết vượt giãn cách.

Với chữ ký số, doanh nghiệp có thể xác định được chính xác sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ thời điểm thực hiện việc biến đổi thông điệp dữ liệu đó, qua đó góp phần vào việc đảm bảo tính bảo mật và an toàn của một văn bản điện tử. Khi được ký kết bằng chữ ký số và chứng thực chữ ký số, hợp đồng điện tử có thể đảm bảo được tính toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu, và dữ liệu tạo chữ ký số gắn với một chủ thể duy nhất, trong bối cảnh dữ liệu được sử dụng, chỉ thuộc kiểm soát của người ký tại thời điểm ký. Mọi thay đổi sau ký đều có thể bị phát hiện. Điều này đồng nghĩa với việc các bên khó có thể thay đổi thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử..
Thông tư 22/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và truyền thông đã quy định rõ các về yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ký số nhằm tối ưu công năng của nhà cung cấp dịch vụ ký kết điện tử, không chỉ là nền tảng ký mà còn kiểm chứng được hiệu lực của chứng thư số tại thời điểm ký số tài liệu, hợp đồng.
Còn theo ông Lê Đức Anh, hợp đồng điện tử có thể chia thành 3 nhóm theo từng mức bảo mật từ cao đến thấp. Các doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức tuỳ theo nhu cầu của mình.

  • Nhóm 1 là “Qualified contract”: Các bên tham gia đều sử dụng chữ ký số CA, áp dụng chủ yếu với các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp.
  • Nhóm 2 là “Advanced contract” – kết hợp giữa chữ ký số và xác thực eKYC, áp dụng đối với những hợp đồng mẫu đã được đăng ký với Bộ Công thương như hợp đồng bảo hiểm, khi sử dụng chỉ cần một bên chữ ký của khách hàng được chứng thực eKYC.
  • Nhóm 3 là “Basic contract” – bên cung cấp dịch vụ sử dụng chữ ký số và bên mua còn lại có thể sử dụng loại hình giao kết hợp đồng trên môi trường trực tuyến, ví dụ như các giao dịch mua bán qua thương mại điện tử.

ỨNG DỤNG HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ CẦN LƯU Ý GÌ?

Theo phân tích của ông Vĩnh, giao dịch điện tử có thể áp dụng cho hầu hết các giao dịch hiện nay, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, theo Luật Giao dịch điện tử 2005, những giao dịch liên quan tới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và bất động sản, văn bản về thừa kế, Đăng ký kết hôn, Quyết định ly hôn, Khai sinh, Khai tử…thì không áp dụng giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, giao dịch điện tử cũng không áp dụng đối với một số giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Từ những án lệ và bản án có hiệu lực pháp luật về giao kết hợp đồng thường gặp, ông Vĩnh cũng lưu ý rằng các cơ quan tài phán như Tòa án hiện nay thiên về cách tiếp cận chú trọng nội dung giao kết hợp đồng (tức là chú trọng ý chí thực sự của các bên trong giao dịch) hơn là hình thức thể hiện sự chấp thuận đối với nội dung đó (như hình thức ký hợp đồng và chữ ký). Hiệu lực hợp đồng nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng đều tuân thủ theo quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, như được quy định trong Bộ Luật Dân sự 2015.
Về phương thức áp dụng, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cho rằng nên tiến hành ngay với các hồ sơ nội bộ trước để làm quen, điều chỉnh và hiểu cách làm, từ đó ứng dụng dần cho các hồ sơ, tài liệu với bên ngoài. Chỉ riêng việc áp dụng cho các hồ sơ ký kết trong nội bộ chắc chắn cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu nhiều chi phí và thời gian, từ đó làm quen dần và khi các doanh nghiệp cùng chuyển đổi thì việc thực hiện ký kết các hợp đồng điện tử sẽ trở thành phương thức thay thế cho phương thức ký kết truyền thống.
Theo ghi nhận trên thực tế của FPT, trong 3 tháng tâm điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhu cầu sử dụng hợp đồng điện tử và chữ ký số của các doanh nghiệp, tổ chức tăng 100% so với thời điểm dịch chưa bùng phát trở lại. Nhiều doanh nghiệp và đơn vị đã sớm chuyển đổi và áp dụng hiệu quả như Vinamilk, Vietjetair, Vietbank, Ford Việt Nam, Sony Việt Nam, Toyota Financial Group, Be, ACS…Những doanh nghiệp này hiện đang ứng dụng ký kết điện tử trên FPT.eContract trong rất nhiều loại hình tài liệu, hồ sơ, hợp đồng trong nội bộ, với người lao động, khách hàng, đối tác.
Hành lang pháp lý đã trợ lực, giải pháp ký kết điện tử hợp quy chuẩn theo luật Việt Nam đã sẵn sàng. Có thể nói, đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp chuyển đổi sang ký kết điện tử để tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội và tăng tốc phát triển, thuận lợi ngay từ điểm khởi đầu là ký kết hợp đồng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, hiện FPT đang triển khai chương trình tiếp sức lớn. Chương trình “FPT.eContract – Chuyển đổi phương thức, tăng tốc cạnh tranh” miễn phí một năm sử dụng hợp đồng điện tử FPT.eContract với 50 lần ký kèm bản quyền cùng các ưu đãi khác.

Đăng kí khuyến mãi TẠI ĐÂY

TAGS

Tin liên quan

Lợi ích của chữ ký số trong trường học

Chuyển đổi kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu của nhiều trường cao đẳng và đại học. Trong số các xu hướng phổ biến khác mà các cơ sở giáo dục hiện nay đang phải đối mặt, số lượng sinh viên đăng ký giảm, nguồn thu giảm và tài trợ không thể đoán trước […]

4 điểm khác nhau chữ ký điện tử và chữ ký số

Chữ ký điện tử và chữ ký số là 2 khái niệm khiến nhiều người nhầm lẫn. Thực tế, chữ ký điện tử bao gồm chữ ký số, hay chữ ký số còn được xem là tập con của chữ ký điện tử. Cùng tìm hiểu các điểm giống và khác nhau giữa chữ ký […]

Hợp đồng bảo hiểm điện tử là gì? Lợi ích của hợp đồng bảo hiểm điện tử

Sự cải tiến về công nghệ là một trong những thế mạnh giúp doanh nghiệp bảo hiểm thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Điều đó được thể hiện qua việc đa số các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đã triển khai và áp dụng hợp đồng bảo hiểm điện tử thay vì hợp đồng […]